Cấu tạo đàn piano cơ vô cùng phức tạp, được cấu thành từ hơn 10 ngàn bộ phận được lắp đặt một cách chuẩn xác và công phu. Chính vì vậy mà đàn piano cơ luôn có giá trị cao, nhưng cây đàn tốt có giá vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.
Để dể khái quát các bộ phận của một cây đàn piano, mình tạm chia ra thành 4 phần chính như sau: Bộ phận Strungback, bộ phận máy cơ và phím, bộ phận Damper, bộ phận Pedal.
Lưu ý bài viết này chủ yếu nói đến 2 kiểu đàn piano cơ phổ biến nhát hiện nay Grand và Upright studio.
Bộ phận Strungback
Đây là bộ phận chính tạo ra âm thanh của cây đàn piano gồm:
- Khung sườn – Frame: Khung Frame đàn Grand còn được gọi là Skeleton. Được ví như bộ sương sống của cây đàn piano, có chức năng liên kết các bộ phận của đàn và chịu một phần lực căng (hàng chục tấn) của dây đàn. Được làm bằng gỗ cứng (nguyên khối hoặc ghép). Đối với đàn Upright, khung frame chính là các thanh gỗ mặt sau phần bao quanh khung frame còn là Liner, đàn grand thì khung frame là các thanh gỗ phía mặt dưới, và phần bao quanh khung frame gọi là đường Rim (đường Rim có 2 phần là Inner Rim và Outer Rim
- Bảng cộng hưởng – Soundboard: là bảng gỗ lớn được ghép từ nhiều mảnh gỗ nhỏ có hình dáng đặc biệt để cộng hưởng với sự rung động của dây và làm cho dây vang to hơn. Nó được dán vào các cạnh của inner rim của đàn grand hoặc liner của đàn đứng (không dán vào khung sườn vì sound board cần bề mặt lớn để cộng hưởng. Mặt trên (hoặc trước) của soundboard có thanh bridge dán lên để dây đàn mắc qua nó. Mặt dưới (mặt sau) là các thanh rib kết nối và giữ vững các mảnh ghép soundboard.
- Pinblock: nằm phía trước (phía trên đối với upright) Soundboard bộ phận này ở cây đàn hoàn thiện sẽ không nhìn thấy trực diện được. Trên pinblock có rất nhiều các trục lên dây tuning pin, một đầu dây đàn được mặt lên trục này.
- Khung thép – Cast-iron Plate: Nằm trên bề mặt Soundboard và Pinblock, khung thép kết hợp với Pinblock, và khung sườn phía sau (phía dưới đối với Grand) tạo thành 1 khối vững chắc để giữ lực căng hàng chục tấn của dây đàn piano.
- Dây đàn: Được mắc 1 đầu vào trục lên dây tuning pin và 1 đầu vào hitch pin trên khung thép, dây đàn bắc ngang qua thanh Brigde trên soundboard và tác động một lực lên bề mặt soundboard để dể dàng truyền rung động.
Các bộ phận trên hợp thành một khối gọi là Strungback là khối chính thực hiện giao động âm, chất lượng tiếng đàn phụ thuộc rất lớn vào khối này. Khối Strungback của đàn Upright được đặt đứng, sau đó các tấm cover được lắp vào tạo nên hình dáng của cây đàn piano phần này còn gọi là Cabinet. Khối Strungback đàn Grand thì được bao quanh bởi đường Outer Rim uốn lượn, từ đó định hình nên hình dạng một cây đàn grand piano.
Bộ phận máy cơ và phím
Từ Cabinet (Upright) hoặc Rim (Grand) sẽ được gắn thêm phần Keybed, là nơi để đỡ toàn bộ phím và Máy cơ – Action , keybed thường là một tấm gỗ lớn với những nhiều miếng gỗ nhỏ dán lại với nhau, hoặc cũng có thể là một khung gỗ bao quanh bên trong là các tấm gỗ mỏng. Keybed được bắt ốc hoặc dán vào Cabinet/Rim.
Nằm trên keybed là bộ Action, nơi làm nhiệm vụ truyền động từ ngón tay lên phím rồi truyền lên búa và đập vào dây để tạo ra âm thanh. Bộ action cho phép chúng ta có thể chơi mạnh, nhẹ, lập lại một phím với tốc độ nhanh, chậm đáp ứng đầy đủ sắc thái của 1 bản nhạc. Action là một bộ máy có cơ cấu escapement mechanism, cho phép lực nhấn từ phím ngắt khỏi búa trước khi nó đập vào dây tại điểm Let-off và búa sau khi đập sẽ bật lại 1 cách nhanh chóng. Khi buông phím thì búa sẽ trả về trạng thái nghỉ ban đầu và kết thúc 1 chu trình.
Bộ phận Damper
Damper là bộ phận đặt lên dây đàn có tác dụng ngắt rung động của dây. Mỗi phím (trừ các phím treble cao) đều có cơ cấu ngắt tiếng bằng Damper. Khi phím ở trạng thái nghỉ thì damper nằm gọn trên dây và ngắt đi sự rung động của nó, nên âm thanh của phím đó sẽ bị tắt đi. Khi nhấn phím thì damper được nhấc ra khỏi dây để dây tự do giao động. Các nốt treble cao do tần số cao, âm thanh chỉ ngân trong khoảng thời gian rất ngắn, không đủ làm mờ đi âm của note khác, nên không cần dùng damper (Các note cao này cũng góp phần tạo cho chất âm của đàn được hay hơn vì nó có thể giao động cộng hưởng với các nốt thấp)
Bộ phận Pedal
Pedal là các bàn đạp, có chức năng truyền động từ bàn chân của người chơi đàn. Hầu hết đàn piano thường có 2 hoặc 3 pedal. Pedal bên phải luôn là pedal ngân vang – Sustaining Pedal, khi đạp nó xuống thì toàn bộ damper sẽ được nhấc lên khỏi dây. cho phép dây tự do giao động mà không bị ngắt bởi Damper. Pedal ngoài cùng bên trái thì luôn là Soft Pedal. Trong đàn Upright và một số ít đàn grand thì khi đạp Soft Pedal xuống, khoảng cách của búa đến đàn dây sẽ giảm đi 1 nửa. làm cho lực đánh của nó giảm đi. Với đa số đàn grand thì khi đạp pedal này xuống toàn bộ action sẽ dới sang 1 bên, khi đó búa sẽ chỉ đánh vào 1 hoặc 2 dây ở những note có 2 hoặc 3 dây, làm cho âm lượng giảm đi và chất âm cũng thay đổi. pedal như vậy còn gọi là una corda pedal.
Nếu đàn có 3 pedal, ở đàn grand chất lượng cao hoặc một số đàn đứng giá trị, thì pedal giữa là sustenuto pedal. khi dạp nó các phím đã nhấn sẽ ngân còn sau khi đạp thì nhấn các phím mới sẽ không ngân. Pedal này giống như cánh tay thứ 3 của người chơi đàn khi muốn giữ âm cho một số nốt nhất định, kỹ thuật chơi pedal này thường dùng trong các bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao.
Ở các loại đàn đứng thông thường, pedal giữa là practice pedal, khi nhấn xuống thì búa sẽ không đáp trực tiếp vào dây mà dập qua miếng nỷ, làm ậm thanh giảm đi, không gây ồn khi tập chơi đàn. Một số đàn đứng khác thì pedal giữa chỉ để trang trí mà không kết nối với chức năng gì cả (hoặc kết nối chung với soft pedal).
Trên đây là bài viết sơ lược về cấu tạo đàn piano cơ, để tìm hiểu chi tiết, các bài sau mình sẽ nói rõ hơn từng bộ phận