Đàn piano cơ là sản phẩm khá sang trọng và đắt tiền, có độ bền rất cao nếu được bảo quản tốt. Ngoài việc phải đảm bảo độ ẩm, và nhiệt độ phù hợp. Đàn piano cần phải đặt ở nơi không có mối mọt, côn trùng và đặc biệt là chuột. Khi đàn piano bị chuột cắn phá thì cho dù có sửa lại với chi phí đắt đỏ đàn cũng mất đi rất nhiều giá trị.
Dấu hiệu nhận biết đàn bị chuột cắn
Đàn piano cơ loại đứng (Upright, console, spinet) thường dể bị chuột vào cắn phá vì có các khe hở ở dưới chân pedal. Khi tình cờ bạn nhìn thấy có chuột ở căn phòng đặt đàn piano thì nguy cơ cao là đàn của bạn đã bị chuột vào. Cần phải mở các nắp cover ra và kiểm tra ngay, nếu để càng lâu thì mức độ hư hỏng sẽ càng nặng.
Khi bạn thấy phím bị dính, kẹt, lệch lạc, tạo ra tiếng động lạ khi chơi thì khả năng cao là đàn của bạn đã bị chuột vào cắn phá và làm tổ.
Trường hợp đàn bị bốc mùi hôi “như mùi chuột chết” thì chắc chắn 100% là đàn của bạn đã bị chuột vào cắn phá rất nặng. Chuột sống lâu ngày trong đàn không tìm thấy lối ra, ăn các chi tiết gỗ, nỉ của đàn và chết luôn trong đấy.
Cách khắc phục khi đàn piano bị chuột cắn phá
Khi đàn đã bị chuột vào thì cần khắc phục ngay để không phải hối tiếc. Nếu bạn có chút am hiểu về kỹ thuật thì cần tháo hết đàn piano ra (gồm các nắp cover, action và phím) để vệ sinh lại đàn, đánh giá mức độ hư hại, nếu chưa bị cắn phá gì thì chúc mừng là bạn còn may mắn, chỉ cần dọn vệ sinh sạch sẽ và đọc tiếp phần cách phòng chống chuột ở phía dưới để đảm bảo đàn của bạn không bị “tái nhiễm” chuột.
Nếu bạn không rành cách tháo đàn piano hoặc nếu đàn bị cắn phá làm hư hỏng các linh kiện bên trong thì cần phải gọi dịch vụ sửa đàn piano gấp để họ khắc phục ngay cho bạn. Tránh để lâu đàn sẽ bị hư hỏng nặng thêm.
Cách phòng chống và các thiết bị ngăn chuột dành cho đàn piano
Cách tốt nhất là đặt đàn ở những căn phòng sạch sẽ cao ráo không có lối cho chuột vào. Thường xuyên thăm kiểm tra, bảo trì định kỳ để nắm tình trạng bên trong đàn, hãy yêu quý cây đàn của bạn và chơi nó thường xuyên, đừng bỏ xó nó một góc hoặc cho vào nhà kho.
Đối với đàn Grand piano chỉ cần bạn đóng các nắp che lại sau khi chơi/biễu diễn thì hầu như chuột không thể vào được. Còn đối với đàn đứng, như đã đề cập ở trên, chuột thường vào ở các khe dưới chân pedal. Nếu bạn nghi ngờ nơi đặt đàn có chuột thì mỗi khi chơi đàn xong cần bít các khe dưới chân pedal (dùng giấy bìa carton hoặc các khối gỗ để bít), tuy nhiên cách này sẽ làm mất thẩm mỹ cây đàn và cũng phiền phức vì phải tháo ra, lắp vào mỗi khi chơi đàn.
Có thể ngăn chuột vào khe pedal bằng cách dùng khay lưới hoặc vách ngăn gắn bên trong đàn, bao kín lại khu vực pedal để chuột có vào thì cũng chỉ quanh quẩn ở trong đó. Có thể order các loại khay lưới làm sẵn nhưng các khay này chỉ phù hợp với một số model. Nên mua các tấm lưới thép về cắt ra và gò thành cái khay phù hợp với kích thước cây đàn của bạn.
Nếu bạn không am hiểu nhiều về kỹ thuật, hãy liên hệ với Pianocare để được tư vấn, lắp đặt thiết bị chống chuột phù hợp.