Để sửa chữa hay vệ sinh đàn piano Upright và Spinet. Việc đầu tiên cần làm là tháo các bộ phận của đàn ra, chủ yếu là lấy bộ action và phím ra khỏi đàn. Tháo đàn piano Upright, Studio, Console là công việc khá dể, nếu bạn nào thích mày mò hay có chút am hiểm về kỹ thuật thì có thể làm được ngay. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro hư hỏng thì mình khuyên mọi người nên đọc kỹ bài viết này nếu chưa tháo và vệ sinh đàn piano cơ lần nào. Đàn spinet do cấu tạo máy cơ nằm dưới phím nên hơi khó tháo và dể làm hư hỏng máy cơ (đặc biệt là các miếng damper), nếu bạn không quen tay hoặc không tự tin tháo thì nên gọi dịch vụ sửa đàn piano để được đảm bảo hơn.
Tháo đàn grand piano mọi người có thể tham khảo ở đây. Để được tư vấn miễn phí từ các chuyên gia, mời bạn tham gia group facbook “nhóm hỗ trợ sửa đàn piano”
Tìm hiểu các tên gọi Upright, Studio, Console, Spinet
Trước khi thực hiện tháo đàn piano upright, chúng ta tim hiểu sơ về các tên gọi của nó nhé. Đàn piano dáng đứng bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ 19. Để giảm chi phí sản xuất, giảm không gian đặt đàn, các nhà sản xuất Piano đã thiết kế ra kiểu đàn có bảng cộng hưởng dựng đứng và bộ máy cơ đơn giản hơn thay vì bảng cộng hưởng nằm ngang và bộ máy cơ phức tạp như đàn grand. Nhờ có kiểu dáng nhỏ gọn hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn mà đàn đứng ngày càng phổ biến, và ngày nay nó loại đàn piano dùng cho gia đình phổ biến nhất.
Ban đầu đàn đứng chủ yếu là đàn size lớn, người ta gọi loại đàn đứng size lớn này là đàn Piano Upright. Khoảng những năm 1930 trở đi thì bắt đầu ra đời những loại đàn đứng có size nhỏ hơn với các tên gọi lần lượt là Studio Upright, Console Upright và đến khoảng năm 1945, để giảm tối đa chi phí sản xuất và không gian đặt đàn các nhà làm đàn bắt đầu thiết kế thêm loại đàn nhỏ hơn nữa, có cơ cấu máy cơ nằm phía dưới phím, kiểu này có tên gọi là Spinet. Đến khoảng năm 1990 trờ về sau do đàn spinet có âm thanh không hay, máy cơ khó bảo dưỡng nên không còn được sản xuất nữa (một phần cũng là do sự phát triển khá mạnh của đàn Piano điện).
Ngày nay, đàn đứng chủ yếu được sản xuất với 2 loại phổ biến là Studio Upright và Console Upright, và thường được gọi chung là đàn upright, mặc dù ý nghĩa sâu xa của từ Upright là chỉ những cây đàn đứng có size lớn. Để phân loại chính xác các tên gọi các kiểu đàn piano dáng đứng, bạn có thể xem bảng phân loại sau.
Cách tháo đàn piano Upright, Studio, Console, Spinet
Tháo các tấm cover
Kiểu đàn piano Upright, Studio, Console
Bước 1: Hạ nắp che phím fallboard xuống và lật nắp trên lên
Bước 2: Tháo nắp trước phía trên, nắp này thường có chốt gài ở 2 bên, xoay (hoặc bật) chốt gài ra vị trí mở rồi nghiêng nắp ra phía trước 1 ít (khoảng 5 -10 độ) sau đó nhấc toàn bộ nắp lên. Cần nhấc nắp lên và không được nghiêng nắp ra phía trước quá nhiều vì cạnh dưới nắp sẽ có các chốt cắm vào mặt dưới, nếu nghiêng quá nhiều sẽ làm gãy các chốt này
Bước 3: Tháo tấm che phím fallboard tấm này thường chỉ cần cầm nhấc lên là được. Một số đàn có cơ chế slow fall (fallboard hạ xuống từ từ để chống va đập) thì 2 bên fallboard thường có ngàm, khi nhấc fallboard lên cần chú ý ngàm cài này. Một số đàn có ốc vít bắt chạt fallboard ở 2 đầu thì cần tháo ốc ra rồi nhấc fallboard lên.
Bước 4: Tháo nắp trước phía dưới nắp này thường có thanh cài ngay vị trí giữa ở cạnh trên. Cần đẩy thanh cài lên và kéo nắp nghiêng ra phía trước. Sau đó nhấc toàn bộ nắp lên. Cần nhấc nắp lên vì cạnh dưới nắp này cũng có các chốt giống nắp trước phía trên ở bước bước 2.
Kiểu đàn piano Spinet
Kiểu đàn spinet thường không có “nắp trước phía trên” như đàn upright và cũng không có fallboard. Mà nó chỉ gồm nắp che phía trên và nắp che phím dạng trượt. Việc tháo các nắp che đơn giản hơn, chỉ cần ngả nắp trên ra sau và tháo ốc giữ nắp trượt.
Nắp trước phía dưới thì tháo giống như ở đàn upright.
Tháo các thanh truyền động pedal và bộ action
Kiểu đàn piano Upright, Studio, Console
Bước 1: Tháo thanh nỉ giảm âm (pedal giữa)
Một số đàn không có practice pedal (Pedal giữa) thì bỏ qua bước này. Thanh nỷ này thường có ốc giữ 2 đầu, chỉ cần tháo ốc là có thể lấy ra (trên hình là đàn yamaha, chỉ cần tháo ốc bên trái, chỗ khoanh màu xanh, là có thể lấy thanh nỉ này ra). Một số đàn hiện đại có thanh nỉ đặt vào khe ngàm 2 bên, chỉ việc nhấc lên và lấy ra.
Bước 2: Lấy thanh truyền động pedal phải và trái
Thanh này có thể lấy từ phía trên, nhưng để dể thao tác thì nên tháo từ phía dưới. Cơ cấu của nó là có chốt tròn cắm vào lỗ nhỏ ở 2 đầu, chỉ cần nâng chốt ra khỏi lỗ tròn là có thể lấy ra.
Bước 3: Lấy bộ action ra
Bộ action được giữ bởi các con ốc ở các vị trí action bracket (ốc khoanh đỏ trên hình), thường sẽ có 3 hoặc 4 con ốc. Sau khi tháo ốc ra thì nghiêng nó ra phía trước rồi nhắc bộ action lên. Khi nắm giữ, di chuyển bộ action thì thao tác ở các vị trí action bracket hoặc thanh hammer rail, không cầm nắm ở các bộ phận khác sẽ làm hỏng action.
Kiểu đàn piano Spinet
Đàn spinet thường chỉ có 2 pedal nên không có practice pedal, Trước tiên cần tháo các thanh truyền động pedal, cách tháo giống như đàn upright
Aciton đàn spinet nằm lọt xuống dưới thấp hơn phím nên khó thao tác. Cần tháo thanh drop wire cách lý phím ra khỏi phím (Một số đàn có thanh drop sticker không dính vào phím thì không cần tháo). Sau đó gác các thanh drop wire lên bộ action (có thể dùng thanh ngang dài để cột và cố định tất cả drop wire vào action).
Sau khi cách ly drop wire và gác gọn lên, tháo các ốc giữ bộ aciton ra và nhấc toàn bộ aciton lên, cần quan sát kỹ không để các thanh damper vướng vào bất cứ vật cản nào khi nhấc ra.
Lấy phím ra khỏi đàn
Bước 1: Tháo thanh name strip. Thanh này có ốc giữ 2 bên, cần tháo ốc rồi nhấc ra là được
Bước 2: Nhấc phím lên
Trước khi tháo phím cần xem các số thứ tự còn rõ không, nếu mờ thì cần đánh lại số thứ tự cho phím.
Cần nhấc phím lên theo phương thẳng đứng, tránh làm cong vênh các chốt pin giữ phím.
Một số lưu ý khi tháo đàn
Các bước hướng dẫn tháo đàn piano upright ở trên là áp dụng cho các loại đàn phổ biến hiện nay. Một số đàn có kiểu dáng khác thì cách tháo sẽ không giống như các bước trên. Tuy nhiên, về cơ bản thì hầu hết đàn đều theo quy trình chung như sau: 1. tháo nắp cover, 2. Pedal, 3. tháo bộ action, 4. Tháo phím.
Bộ action tương đối nặng nên khi tháo cần cẩn thận, nếu không nhấc nổi thì không nên ráng sức sẽ rất nguy hiểm, gây hư hỏng không đáng có.
Khi lắp lại sẽ theo đúng quy trình ngược so với lúc tháo.