Sửa đàn piano cơ là công việc đòi hỏi phải có chuyên môn và tính cần mẩn, tỉ mỉ. Vì đàn cơ có cấu tạo bên trong rất phức tạp với hàng ngàn chi tiết. Trong khuôn khổ bài viết này mình sẽ giới thiệu một số lỗi cơ bản thường gặp để người chơi piano có thể hiểu và tự khắc phục được. Trường hợp cần sửa chữa nhiều, lên dây, hay chỉnh máy cơ thì cần phải có thợ chuyên môn cao.
Muốn tìm hiểu thêm hoặc cần hỗ trợ, các bạn có thể tham gia group facebook Nhóm hỗ trợ sửa đàn piano
Cấu tạo cơ bản của đàn piano cơ
Xem thêm bài viết: Cấu tạo chi tiết đàn piano cơ và tên gọi các bộ phận
Đàn piano có cầu tạo phức tạp, và rất nhiều chi tiết. Ở mức độ sửa đàn piano cơ bản thì mình sẽ gom các bộ phận lại theo chức năng và giới thiệu sơ để mọi người có được cái nhìn tổng thể, chi tiết ra từng cái thì các bạn có thể xem bài viết mình để link ở trên nhé.
- Bộ khung. Để giữ và cố định được hình dạng của đàn là nhờ nó có bộ khung sườn bằng gỗ (wooden frame hoặc skeleton) rất cứng, vững. Phần này có thể nhìn thấy từ phía dưới đàn grand hoặc phía sau đàn upright. Khung này làm nên móng cho toàn bộ các bộ phận khác đặt lên.
- Bảng cộng hưởng. Phía trước (hoặc phía trên đối với đàn grand) bộ khung này là tấm bảng cộng hưởng (soundboard) thành phần chính để khuếch đại âm thanh cho đàn piano, soundboard không phải phẳng hoàn toàn mà nó thường có dạng vòm. Bảng cộng hưởng này không tiếp xúc trực tiếp lên khung sườn mà chỉ tiếp xúc thông qua phần biên bên xung quanh nó (với đàn grand thì nó được đặt trên đường Inner Rim, đàn upright thì đặt trên đường Liner).
- Bộ phận giữ dây.Mặc dù bộ khung wooden frame rất vững nhưng nó vẫn không đủ vững để giữ được toàn bộ lực căng dây (khoảng 17 đến hơn 26 tấn tùy size đàn). Do đó sức căng của dây chủ yếu được giữ bởi khung thép (Cast Iron Plate). Một đầu dây được mắc lên khung Plate đầu còn lại mắc lên trục lên giữ dây (tuning pin). Và tuning pin thì được cắm sâu vào Pinblock nằm dưới khung Plate.
- Bộ phận truyền động. Bao gồm action và phím Đảm nhiệm chức năng truyền động từ ngón tay đến đầu búa, Bộ phím thường có 88 phím (một số đàn khác có ít hoặc nhiều hơn). Với đàn grand thì phím và aciton được cố định liền 1 khối, còn đàn đứng thì bộ action nằm rời. Bộ phần truyền động có cấu tạo rất phực tạp với hàng ngàn chi tiết nhỏ. Các lỗi thường gặp của đàn piano chủ yếu là từ bộ phận này.
- Bộ phân pedal. Là bộ phần đảm nhiệm truyền động từ bàn chân lên bộ action, thường có 3 chân pedal với chân bên phải luôn là pedal ngân tiếng (sustaining pedal). Các pedal còn lại tùy theo loại đàn mà có những chức năng khác nhau (soft pedal, sostenuto pedal, practice pedal…)
Đàn grand piano
Dưới dây là hình mô phỏng cách bộ phận chính của đàn piano
Đàn piano dáng đứng
Dưới dây là hình mô phỏng các bộ phận cơ bản của đàn piano
Tên gọi các bộ phận trên action và phím
Bài viết này mình có dùng nhiều thuật ngữ bằng tiếng anh để chỉ tên gọi các bộ phận (chủ yếu trên action và phím). Các bạn có thể xem 2 hình dưới đây để biết vị trí và tên gọi của từng bộ phận. Hoặc có thể search google với các từ khóa bằng tiếng anh trong bài viết sẽ ra hình ảnh của các bộ phận đó cho bạn dể hình dung trước khi sửa đàn piano (khi search nhớ thêm chữ “piano” ở đầu để google dể tìm chính xác hơn, ví dụ muốn tìm “center pin” xem nó như thế nào thì search “piano center pin”).
Với các loại piano dáng đứng hiện nay chủ yếu là size studio upright trở xuống nên sẽ không có bộ phận sticker mà thay bằng capstan cao, tiếp xúc trực tiếp vào wippen.
Dụng cụ cần thiết để sửa đàn piano cơ
Do đàn piano có cấu tạo rất phức tạp, mỗi bộ phận đều có các dụng cụ chuyên dụng để chỉnh sửa. Nên để sửa đàn piano cơ chuyên nghiệp cần có rất nhiều dụng cụ (tham khảo bộ dụng cụ chuyên nghiệp, sửa được hầu hết các lỗi của đàn piano). Khuôn khổ bài này mình chỉ để cập đến các lỗi cơ bản thường gặp nên không cần phải có đủ hết các dụng cụ. Tuy nhiên để sửa đàn piano cơ bản cũng cần có các dụng cụ thiết yếu sau (theo kinh nghiệm của mình).
- Tua Vít: Cần có 2 loại là tua vít dẹt và ba ke, nên có nhiều size. Tốt nhất là nên có bộ combo với nhiều đầu tua vít.
- Kềm: Cần có kềm cắt, kềm mũi nhọn, kềm mũi bằng, nếu đàn hay bị dính phím thì nên có kềm ép nỉ phím (key bushing).
- Dụng cụ đo: Thước lá, thước panme.
- Các loại khóa mở ốc: Nên có bộ cờ lê mỏ lết và bộ lục giác.
- Dao, kéo: Khi cần cắt các loại nỉ thì nên cắt bằng giao lam hoặc dao có độ bén tương đương.
- Các loại keo: Sửa đàn piano cần rất nhiều loại keo tuy nhiên ở mức đô cơ bản thì cần có keo dán gỗ Titebond.
- Dầu bôi trơn: Khi các chi tiết trên action bị ma sát lớn thì có thể tra một ít dầu, loại chuyên dụng là Protek CPL nhưng loại này phải mua từ Mỹ hoặc Nhật nên khá mắc. Có thể dùng WD40 để thay thế. Việc sửa đàn piano không nên lạm dụng dầu bôi trơn, vì dù là loại nào đi nữa, theo thời gian nó sẽ khô và sinh ra ma sát nhiều hơn.
Ngoài ra còn có thêm nhiều dụng cụ sửa đàn piano khác, khi đi vào từng lỗi cụ thể mình sẽ giới thiệu thêm. Xem các dụng cụ sửa đàn piano phổ biến
Cách mở/tháo đàn và vệ sinh cơ bản
Đàn piano để lâu sẽ có rất nhiều bụi bẩn bám vào bên trong, nhất là khu vực phía dưới phím. Ngoài bụi bẩn, thỉnh thoảng còn có các vật dụng rơi vào, hoặc bị chuột, dán tha rác, làm tổ ở bên trong. Khi bị như vậy sẽ dẫn đến các lỗi như kẹt/dính phím, kẹt action, phím đánh không ra tiếng…Cần phải tháo các nắp đàn và bộ action, phím ra vệ sinh sạch sẽ. Nên làm định kỳ 6 tháng 1 lần cùng với lên dây.
Lưu ý: Khi sửa đàn piano mà cần tháo các chi tiết có hình dạng giống nhau thì phải đánh số thứ tự, để khi ráp vào phải đúng thứ tự như trước khi tháo ra.
Mở/tháo và vệ sinh đàn piano đứng
Bước 1: Tháo nắp trước phía trên và nắp trước phía dưới. Hầu hết các loại đàn piano dáng đứng hiện nay đều có cơ cấu gần giống nhau. Nắp trên được giữ bởi 2 chốt 2 bên. Nắp dưới được giữ bằng thanh lẫy ở giữ. Chỉ cần tháo chốt mở các chốt này là dễ dàng tháo nắp ra.
Bước 2: Tháo nắp che phím (fallboard). Da số đàn đứng có nắp này được cài vào ngàm ở 2 bên chỉ cần nâng lên. Một số đàn có ốc giữ thì cần tháo ốc. Một số mẫu đàn, phần phía sau nắp này có dạng hình hộp thì thường có chốt cài ở 2 bên phím chỉ cần bật chốt cài này lên là tháo ra được.
Bước 3: Tháo Nameboard Strip. Là thah gác ngang lên phím để giữ không có phím bật lên, đồng thời thanh này thường là nơi in tên thương hiệu lên (nên gọi là name board strip). Thanh thanh thường có ốc giữ 2 bên, một số đàn còn có thêm vài ốc ở giữa.
Bước 4: Tháo các bộ phận pedal. Lấy các thanh nối vị trí action xuống chân pedal ra. Tháo thanh nỉ pedal giảm âm (Practice pedal) ra nếu có, thanh này thường có vị trí giữ ở 2 đầu (ốc hoặc khe).
Bước 5: Tháo bộ action. bộ action thường được giữa ở 2,3 hoặc 4 vị trí bằng ốc giữa, chỉ cần vặn các con ốc này ra rồi nghiêng action ra phía trước và nâng lên. Khi nâng hoặc di chuyển bộ action cần nắm ở các vị trí action bracket và thanh hammer rail, lưu ý tránh va chạm làm hư hỏng bộ action.
Bước 6: Tháo phím. Sau khi tháo action ra rồi thì chỉ cần nâng từng phím lên là dể dàng tháo nó ra, có thể nâng cả cụm nhiều phím cùng lúc, nâng theo phương thẳng đứng và không làm cong các chốt giữ (các chốt giữ gồm balance rail pin và front rail pin).
Sau khi tháo, khắc phục lỗi, vệ sinh đàn xong thì ráp vào theo trình tự ngược lại. Một số kiểu đàn như spinet, console, hoặc các loại đàn có kiểu dáng đặc biệt có thể sẽ không theo quy trình trên. Cần quát sát kỹ (hoặc đọc tài liệu hướng dẫn) trước khi thao tác để tránh làm hư hỏng.
Mở/tháo đàn grand piano
Bước 1: Dựng nắp đàn và tháo giá đỡ nhạc. đây là bước khá đơn giản hầu như người chơi nào cũng biết.
Bước 2: Tháo nắp che phím (fallboard). Một số đàn chỉ cần nghiêng nắp ra phía trước một ít rồi nhấc đều 2 bên lên là được. Một số đàn có ốc giữ 2 bên thì cần tháo ốc giữ ra trước khi nâng nó lên.
Bước 3: Tháo Keyblock. Là 2 khối gỗ 2 bên phím, mỗi khối được cố định bởi 1 con ốc dài vặn từ dưới keybed lên. Tháo ốc này ra và nhấc nó lên.
Bước 4. Tháo keyslip. Là thanh ngang phí trước phím, thường được cố định bằng chốt giữ hoặc bằng ốc vặn từ dưới keybed lên, nếu vặn bằng ốc thì tháo ốc ra và nhắc nó lên.
Chú ý: Bước 3 và bước 4, một số trường hợp có thể có trình tự đạo ngược nhau. Vì một số đàn phải tháo keyslip ra trước thì mới tháo được keyblock.
Bước 5: Kéo bộ action và phím ra. Khi kéo cần quan sát cẩn thận, không chạm tay vào phím, hoặc tránh không để vật gì đè lên phím, nếu phím bị nhấn xuống thì búa sẽ nâng lên và khi kéo action ra sẽ làm gãy búa. Khi nâng và di chuyển bộ action cần phải nắm vào 2 bên khung đỡ phím (key frame). Không được nắm vào action bracket như đàn dáng đứng. Các ốc giữ action bracket đàn grand không đủ chắc nên nâng bộ action từ các vị trí này.
Bước 6: Tháo action ra khỏi phím. Trên các vị trí action bracket đều có 2 ốc giữ trước và sau. Tháo các ốc này ra là có thể nâng được bộ action ra khỏi phím.
Bước 7: Tháo phím ra khỏi keyframe. Cần tháo thanh ngang giữ phím ra trước rồi mới nhấc phím lên được. cách nhấc phím cũng tương tự như đàn đứng. Thanh ngang giữ phím này thường có ốc phía trên và phía dưới, ốc trên đẽ cố vị trí, còn ốc dưới để chỉnh chiều cao. Khi tháo cần lưu ý không thay thay đổi vị trí độ cao của ốc dưới.
Sau khi vệ sinh và khắc phục lỗi, sửa đàn piano xong, ráp đàn vào theo quy trình ngược lại. Quy trình trên dành cho các mẫu đàn phổ biến hiện nay. Một số loại đàn có cấu tạo hơi khác thì cần quan sát kỹ (hoặc xem tài liệu hướng dẫn) trước khi tháo.
Các lỗi hư hỏng thường gặp của đàn piano cơ
Lỗi kẹt/dính phím đàn piano
Đây là lỗi phổ biến nhất mà hầu hết các đàn piano cơ đều gặp. Và cũng khá dể xử lý, người chơi có thể tự khắc phục mà không cần thợ sửa đàn piano. Tuy nhiên, lỗi này hay bị nhầm lẫn với các lỗi phát sinh do máy cơ, vì máy cơ bị kẹt đôi lúc cũng làm phím không trả về vị trí nghỉ nên nhiều bạn tưởng là bị kẹt. Để chắc chắn nó là lỗi ở phím mà không phải do action gây ra thì cần kiểm tra bằng cách nâng máy cơ của phím kẹt lên rồi thả xuống xem nó có hoạt động ở bình thường không, đặt ngón tay vào vị trí wippen trên action để nâng kiểm tra (có thể kiểm tra mà không cần tháo action ra khỏi đàn). Nếu máy cơ ở của nốt đó hoạt động bình thường thì lỗi là do phím.
Một số nguyên nhân và cách khắc phục lỗi kẹt phím:
- Do nỉ key bushing và gỗ của phím nở ra và ma sát vào chốt giữ balance rail pin hoặc front rail pin. Có thể khắc phục nhanh bằng cách ép phím sang 2 bên và đánh lên xuống nhiều lần. Nếu không hết thì lấy phím ra dùng kềm chuyên dụng hoặc vật dụng dẹt vừa với khe phím để ép các miếng nỉ key bushing này vào.
- Do lổ dưới phím (key balance hole). Khi độ ẩm làm gỗ nở ra làm lỗ tròn dưới phím chỗ balance rail pin khít lại khiến phím bị ket. Khắc phục bằng cách dùng vật nhọn, tròn để nới lỗ này ra (không nới quá rộng sẽ làm lắc phím).
- Kẹt do miếng chì làm nặng phím (key leads) bị phù. Khi bị phù nặng thì miếng key leads lòi ra và cạ vào các phím khác gây kẹt phím. Khắc phục bằng cách lấy dao rọc giấy gọt đi phần phù. Hoặc để phím có độ nặng như ban dầu thì thay lại các miếng key leads.
- Các lỗi khác gây kẹt phím đàn piano. Ngoài 3 vấn đề kỹ thuật chính ở trên thì đôi khi phím bị kẹt còn do các vật dụng rơi rớt vào, gây kẹt. Cần vệ sinh đàn thường xuyên để đảm bảo đàn luôn trong tình trạng tốt nhất.
Lỗi lỏng/lắc phím khi chơi
- Lỏng phím do nỉ, gỗ bị mòn
Ngược với vấn đề bị kẹt, dính phím ở do gỗ và nỉ key bushing bị nở ra ở trên thì phím đàn piano còn bị thêm vấn để lỏng ở các vị trí đó. Do quá trình sử dụng các miếng nỉ key bushing cạ vào các chốt pin làm miếng nỉ mòn đi, hoặc miếng nỉ bị bung keo rơi mất. Và lỗ phím (key balance hole) bị nới rộng ra.
Nếu lỏng ở các miếng nỉ thì có thể thay thế bằng các miếng nỉ miếng mới, hoặc nếu bị nhẹ thì khắc phục nhanh bằng cách dùng kim châm vào nỉ để nó tơi nhẹ ra, ép sát vào chốt pin và làm giảm rung lắc phím.
Nếu lỏng ở vị trí balance hole, nếu bị nhẹ thì nên để vậy, bị nặng thì nên gọi dịch vụ sửa đàn piano chuyên nghiệp. Vì sửa lỗ balance hole này cần có kinh nghiệm và dụng cụ mới làm được.
- Lỏng phím do thanh chặn ngang trên phím quá cao.
Ở đàn grand thì có thanh riêng key top rail (xem hình ở mục Mở/tháo đàn grand bước 7) và chỉnh được độ cao cho nó, còn ở đàn đứng thì nó là thanh name board strip (Xem hình ở mục mở/tháo đàn đứng bước 3). Chiều cao chuẩn của miếng nỉ dài nằm ngang dưới thanh này là sao cho khi nâng điểm ngoài cùng của phím trắng lên cao hơn được 2mm so với vị trí nghỉ của phím. Nếu cao hơn thì chi chơi (đặc biệt là chơi staccato phím sẽ nẩy lên gây rung lắc).
Lỗi kẹt/dính các bộ phận trên action piano
Lỗi này thường hay xảy ra với các loại đàn phổ thông hoặc đàn đặt trong môi trường có độ ẩm cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các center pin (chốt giữ ở các khớp nối truyền động) bị nỉ center pin bushing ép chặt khiến nó bị ma sát và không chuyển động trơn mượt được gây dính/kẹt action. Các lò xo trên các bộ phận của action bị gãy cũng khiến aciton bị kẹt, hoặc các chi tiết gỗ dán bằng keo lâu ngày bị bung keo cũng khiến action không hoạt động được.
Trong khuôn khổ bài này là sửa đàn piano các lỗi cơ bản, nên phần này mình sẽ đề cập vấn đề do center pin là chính, các vấn đề khác thì nên gọi dịch vụ chuyên nghiệp sẽ tốt hơn.
Một số lưu ý khi khắc phục lỗi dính/kẹt aciton đàn piano do center pin gây ra
- Cần kiểm tra độc lập từng center pin để xác định vị trí nào làm kẹt. (ví dụ khi kiểm tra center pin của hamer flange của đàn đứng thì cần tháo dây bridle wire và lấy phím của nốt đó ra để cách li wippen với hammer và test hammer bằng cách di chuyển hammer xem nó có xoay mượt quanh hammer flange không).
- Có thể khắc phục nhanh bằng cách nhỏ 1 giọt dầu bôi trơn vào center pin (xem loại dầu ở phần dụng cụ). Tuy nhiên việc sửa đàn piano không nên lạm dụng cách này.
- Cách khắc phục tốt nhất là tháo center pin bằng dụng cụ center pin extractor ra sau đó dùng dũa tròn nhỏ có đầu nhọn, đường kính tăng dần se vào nỉ center pin bushing để nới rộng lỗ tròn này ra. Cần se với cường độ vừa phải không se lớn quá sẽ gây lỏng center pin. Sau đo thay mới center pin với loại bằng với kích thước củ.
- Cần phải thay mới center pin mỗi khi tháo ra, không dùng center pin cũ, khi gắn vào cần có 1 dầu nhọn mới không làm hỏng nỉ bushing. Chỉ có center pin mới mới có 1 đầu nhọn.
- Nên gọi dịch vụ sửa đàn piano chuyên nghiệp khi sửa lỗi, thay thế center pin. vì để thay thế được chính xác cần nhiều dụng cụ có độ chính xác cao, và đòi hỏi thợ sửa đàn piano có kinh nghiệm.
Lỗi lỏng/lắc các bộ phận trên action đàn piano
Các bộ phận của action ngoài vấn đề bị kẹt/dính ở trên thì action đàn piano cũng hay bị lỏng, rung lắc khi chơi đàn. Nguyên nhân chủ yếu là do 3 vấn đề sau.
- Do center pin bị lỏng: Lỗi này do center pin xuyên qua lỗ nỉ bushing quá rộng, hoặc nỉ bushing bị mòn. Khắc phục bằng cách thay center pin mới với đường kính lớn hơn, nhưng lưu ý một số chi tiết có center pin xuyên qua lỗ gỗ thì khônd được thay center pin quá lớn hơn lỗ trên gỗ, sẽ làm gỗ bị nứt bể. Lúc đó khắc phục nỉ bushing bị lỏng bằng cách dùng kim châm vào nó để các sợi nỉ nở ra, nếu không được thì phải thay nỉ bushing mới. Việc thay thế nỉ bushing cần thợ có tay nghề và có đủ dụng cụ mới thực hiện được.
- Do các ốc giữ bị lỏng: Chỉ cần siết lại ốc là hết, nhưng một số trường hợp ren siết ốc bị hỏng không thể siết chặt, cần khắc phục lại lỗ siết ốc (tùy tình trạng mà người thợ sửa đàn chuyên nghiệp sẽ chọn giải pháp sửa chữa, làm mới lỗ ốc khác nhau).
- Do các chi tiết dán keo bị lỏng: Cần dán lại, keo phổ biến để dán các chi tiết bằng gỗ của action là keo titebond wood glue. Trước khi dán cần xử lý bề mặt, vệ sinh sạch sẽ lớp keo củ còn sót lại.
Khắc phục các tiếng động lạ khi chơi đàn piano
Đàn piano cơ, đặc biệt là những cây đàn có tuổi thọ quá cao, hoặc đàn kém chất lượng sẽ hay bị phát ra những tiếng động lạ khi chơi. Có khá là nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Dưới dây là 1 số trường hợp thường gặp, mọi người có thể tham khảo. Một số trường hợp người chơi có thể tự khắc phục, một số trường hợp cần dịch vụ sửa đàn piano chuyên nghiệp
Tiếng rè, tiếng reng reng khi chơi đàn
- Do vật dụng rơi vào đàn. Khi đàn rung lên thì các vật dụng này cạ vào đàn (thường là cạ vào soundboard hoặc dây đàn). Cần xem kỹ mọi ngóc ngách xem có vật dụng gì rơi lên không.
- Do dây bass bị rè. Dây bass được quấn bằng các vòng dây đồng nhỏ, các vòng dây này lường bị long ở 2 đầu cuối và gây rè khi chơi. Khắc phục bằng cách hạ lỏng dây và tháo đầu dây ở vị trí hitch pin trên khung plate ra rồi dùng kềm bóp vào 2 đầu cuối của vòng dây đồng và xoay theo chiều quấn dây cho nó siết chặt lại. Khi lắp dây vào hitch pin thì xoắn thêm 1 2 vòng dây theo chiều quấn dây đồng để các vòng quấn được chặt hơn. Không hết thì phải thay dây mới.
- Do soundboard bị lỏng. Mặt sau (đàn đứng) hoặc mặt dưới (đàn grand) của soundboard luôn có các thanh gỗ dán song song chạy dọc trên soundboard gọi là thanh rib, khi các thanh rid này bị long ra khỏi bề mặt soundboard thì đàn sẽ bị rè (giống như tiếng loa rè). Trường họp này ít gặp và nên gọi dịch vụ sửa đàn chuyên nghiệp. (Soundboard nhiều khi bị nứt 1 vài đường cũng không sao nhưng chỉ cần bung keo khỏi thanh rib là sẽ bị rè liền).
- Do các ốc siết các chi tiết kim loại bị lỏng. Thường là ốc siết các bản lề, khi lỏng sẽ sinh ra tiếng reng reng kim loại. cần
- Do các vật xung quanh đàn cộng hưởng với tiếng đàn cũng gây rè. Thường gặp khi đàn đặt gần cửa nhôm, gần các vật dụng decor bằng kim loại.
Việc xác định đâu là nguyên nhân gây ra tiếng rè đôi khi rất khó, ngay cả các thợ sửa đàn piano chuyên nghiệp. Vì các tiếng rè không phải khi nào cũng phát ra đều đặn, hoặc nguồn phát tiếng rè nằm trong những ngóc ngách khó tiếp cận, khó nhìn thấy…
Tiếng lộc cộc, lách cách do phím, action phát ra
- Phím kêu lộc cộc. Do các phần nỉ đệm bị mòn hoặc bị chai cứng, hoặc do các vị trí dán keo bị lỏng (keytop, key button, key leads, capstain). Cần thay thế hoặc dán lại keo.
- Action kêu lách cách. Thường là do ốc giữ các chi tiết action bị lỏng. Hoặc do keo dán (hay bị ở vị trí hammer và hammer shank) bị long. Cần siết ốc hoặc dán lại keo. Một trường hợp hay gặp nữa là do thanh sắt bridle wire của nốt này chạm vào thanh backcheck wire của nốt kế bên sẽ gây ra tiếng click, trường hợp này chỉ cần nắn lại thanh bridle wire. Một số trường hợp hiếm gặp là do nỉ bị mòn, hoặc lò xo gãy cũng phát ra tiếng kêu.
Tiếng cót két khi đạp Pedal
Các chốt bản lề trên pedal lâu ngày thường phát ra tiếng cót két khi hoạt động, chỉ cần tra một tí dầu WD40 là hết. Hoặc do các vòng đệm (nỉ, nhựa, silicon, cao su…) bị mòn tạo ra tiếng cót két, cần thay lại các vòng đệm này. Người chơi có thể tự khắc phục tiếng kêu này mà không cần dịch vụ sửa đàn pino.
Khắc phục các lỗi do pedal đàn piano gây ra
Pedal truyền động từ dưới chân lên action thông qua các cánh tay đòn, trên các cánh tay đòn này thường có các ốc điều chỉnh, lâu ngày những con ốc trên này bị lệch khiến cho pedal không hoạt động đúng nữa. tùy mỗi kiểu đàn sẽ có những cơ cấu điều chỉnh khác nhau, khó đưa ra được cách làm chung. Tuy nhiên cơ cấu của nó cũng khá đơn giản, một người bình thường không có nhiều kinh nghiệm sửa đàn piano cũng có thể xem và xác định được vị trí cần điều chỉnh.
Đối với đàn đứng có pedal giảm âm (pedal giữa), cơ cấu của nó có thanh ngang dán vải nỷ nằm giữa vị trí búa và dây, khi đạp xuống thì miếng vải che lại không cho búa đập trực tiếp vào dây mà đập gián tiếp qua miếng vải làm cho âm nhỏ đi (để tập đàn, không phiền người khác). Một số đàn thanh ngang này hay bị xụp xuống khiến đàn không hoạt động được bình thường, khắc phục bằng cách siết lại các ốc giữ, nếu miếng vải bung keo thì dán lại miếng vải, hoặc sai lệch ở các cánh tay đòn thì cần chỉnh lại.
Giới thiệu thêm các lỗi khó xử lý, ít gặp của đàn piano.
Đứt dây đàn
Dây đàn piano chịu được sức căng rất lớn, rất khó đứt. Nếu chỉ chơi đàn thì hầu như không bao giờ đứt dù có chơi mạnh cỡ nào đi nữa. Dây đàn chỉ đứt trong các trường hợp sau: Do lên dây, sửa đàn piano không đúng, do dây bị gỉ sét, do vận chuyển (thường đàn kém chất lượng hay bị).
Nếu đứt dây bass ở 1 số vị trí có thể nối lại, việc nối dây đôi khi sẽ tốt hơn là quấn dây mới vì 1 dây mới gắn vào đàn có hệ thống dây củ thì nghe âm sắc sẽ không đều. Khi bị đứt dây thì có thể vẫn còn chơi được (những nốt có 2 hoặc 3 dây khi đứt 1 dây vẫn còn các dây còn lại). Tuy nhiên, nếu bị đứt thì nên thay càng sớm càng tốt. Để vậy sẽ làm mất cân bằng khi búa đập vào dây. Lâu ngày sẽ làm long action và làm lệch damper.
Việc thay dây nên gọi dịch vụ sửa đàn piano chuyên nghiệp.
Tham khảo thêm Cách thay dây đàn piano ở đây nếu bạn muốn tự thay.
Đàn bị fail beat khi lên dây
Beat là thuật ngữ chỉ dao động âm trong lên dây, sửa đàn piano. Rất nhiều trường hợp tạo ra beat nhưng thường thấy nhất là khi dây bị lệch. Fail beat là tình trạng một nốt có các dây đều đúng chuẩn những vẫn tạo ra tiếng beat. hoặc 1 dây dao động riêng lẻ nhưng cũng tạo ra tiếng beat.
Fail beat làm cho việc lên dây, sửa đàn piano trở nên khó khăn, đồng thời làm chất âm của đàn cũng giảm đi đáng kể. Lý do dây bị fail beat chủ yếu là do vị trí nó tiếp xúc lên thanh bridge, thanh v-bar (đàn đứng) thanh capo-bar (đàn grand), agraffe…không chuẩn.
Khi bị fail beat cần phải có thợsửa đàn piano giỏi, nhiều kinh nghiệm mới có thể khắc phục.
Lỏng tuning pin
Nếu đàn bị lỏng nhẹ 1 vài trục lên dây (tuning pin) thì có thể khắc phục nhanh bằng cách đóng các trục lên dây bị lỏng vào sâu hơn 1 ít. Hoặc thay bằng trục tuning pin có kích thước lớn hơn. Một số trường hợp có thể dùng hóa chất làm chặt tuning pin (hóa chất làm nở gỗ).
Nếu đàn bị lỏng quá nhiều trục thì thường là do khối gỗ pinblock bên trong bị nứt, bể. Trường hợp này không còn là sửa đàn piano nữa mà phải restore lại toàn bộ đàn rất tốn kém.
Tổng kết
Đàn piano cơ với hàng ngàn chi tiết bên trong nên việc thỉnh thoảng gặp gặp lỗi, hư hỏng là chuyện bình thường. Ở trên là các lỗi thường thấy trong quá trình sử dụng đàn Piano. Ngoài ra còn vô vàn càng lỗi khắc mà khuôn khổ bài viết này sẽ không nói hết được. Và nên cân nhắc trước khi tự sửa đàn piano cơ, những việc tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều khi cần có tay nghề rất cao mới có thể thực hiện được.
Nếu bạn quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật của đàn piano, lên dây đàn piano, chỉnh voicing, chỉnh máy cơ…thì có thể tham gia group Facebook ở đây. Mình sẽ cố gắng thường xuyên cập nhật kiến thức lên đó, hoặc nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì cần hỗ trợ đều có thể thảo luận trực tiếp trên group.
Ngoài ra mình còn 1 số kệnh chia sẽ sau chuyên chia sẽ về kiến thức sửa đàn piano cơ mọi người có thể tham khảo thêm
Youtube: Cường Piano Technician
Facebook: https://www.facebook.com/pianocare.vn
Web: https://vntuning.com https:pianocare.vn